THÀNH PHẦN

Mỗi viên nén bao phim chứa:

Thành phần hoạt chất:

Acyclovir ........................................................................ 800 mg.

Thành phần tá dược:

Microcrystalline cellulose 101; sodium starch glycolate A, povidone K30, colloidal silicon dioxide, magnesium stearate

Điều trị nhiễm Herpes simplex ở da và niêm mạc bao gồm nhiễm ở cơ quan sinh dục khởi phát và tái phát (không bao gồm nhiễm HSV ở trẻ sơ sinh và HSV nặng ở trẻ em có hệ miễn dịch kém).

Ngăn chặn (phòng ngừa tái phát) nhiễm Herpes simplex ở bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường.

Dự phòng nhiễm Herpes simplex ở bệnh nhân có hệ miễn dịch kém.

Điều trị nhiễm Varicella (bệnh thủy đậu) và Herpes zoster (bệnh Zona).

Liều dùng

Người lớn

Điều trị nhiễm Herpes simplex

Dùng liều acyclovir 200 mg x 5 lần/ngày mỗi ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 4 giờ, bỏ qua liều ban đêm. Điều trị trong 5 ngày, với trường hợp nhiễm khởi phát nặng thì thời gian điều trị có thể kéo dài thêm.

Ở các bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng (ví dụ sau khi cấy ghép tủy) hay ở các bệnh nhân kém hấp thu ở ruột, có thể dùng liều gấp đôi là 400 mg, hoặc có thể cân nhắc dùng liều tiêm tĩnh mạch.

Dùng thuốc càng sớm càng tốt ngay sau khi nhiễm bệnh; đối với các đợt tái phát, tốt hơn nên dùng trong giai đoạn tiền triệu hoặc khi vừa xuất hiện các tổn thương trên da.

Phòng ngừa tái phát nhiễm Herpes simplex ở bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường

Dùng liều acyclovir 200 mg x 4 lần/ngày mỗi ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 6 giờ.

Để thuận tiện, bệnh nhân có thể dùng liều 400 mg x 2 lần/ngày mỗi ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 12 giờ.

Có thể điều chỉnh liều xuống còn 200 mg x 3 lần/ngày mỗi ngày, mỗi lần cách nhau 8 giờ hay thậm chí 2 lần/ngày mỗi ngày, mỗi lần cách nhau 12 giờ cũng có thể có hiệu quả điều trị.

Một vài bệnh nhân có thể bị nhiễm đột phát với tổng liều acyclovir dùng mỗi ngày là 800 mg.

Nên ngưng điều trị khoảng 6 - 12 tháng theo định kỳ để quan sát những chuyển biến tự nhiên của bệnh.

Phòng ngừa nhiễm Herpes simplex ở bệnh nhân có hệ miễn dịch kém

Dùng liều 200 mg x 4 lần/ngày mỗi ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 6 giờ.

Ở những bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng (ví dụ sau khi cấy ghép tủy) hay ở các bệnh nhân kém hấp thu qua ruột, có thể dùng liều gấp đôi là 400 mg, hoặc có thể cân nhắc dùng liều tiêm tĩnh mạch.

Thời gian điều trị dự phòng dựa trên thời gian tiếp xúc với nguy cơ nhiễm bệnh.

Điều trị nhiễm Varicella (bệnh thủy đậu) và Herpes zoster (bệnh Zona)

Dùng liều 800 mg x 5 lần/ngày mỗi ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 4 giờ, bỏ qua các liều ban đêm. Việc điều trị nên kéo dài 7 ngày.

Ở những bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng (ví dụ sau khi cấy ghép tủy) hay ở các bệnh nhân kém hấp thu ở ruột, có thể cân nhắc dùng liều tiêm tĩnh mạch.

Nên dùng thuốc càng sớm càng tốt kể từ khi nhiễm bệnh: điều trị nhiễm Herpes zoster sẽ cho kết quả tốt hơn nếu được điều trị càng sớm càng tốt ngay khi bị phát ban da. Điều trị nhiễm Varicella ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường nên được bắt đầu trong vòng 24 giờ kể từ khi bị phát ban da.

Trẻ em

Điều trị nhiễm Herpes simplex, dự phòng nhiễm Herpes simplex ở trẻ em bị có hệ miễn dịch kém

Trẻ em từ 2 tuổi trở lên có thể dùng liều như người lớn và trẻ em dưới 2 tuổi chỉ nên dùng một nửa liều của người lớn.

Khuyến cáo tiêm tĩnh mạch acyclovir trong trường hợp điều trị nhiễm herpes ở trẻ sơ sinh.

Điều trị nhiễm Varicella

≥ 6 tuổi: 800 mg acyclovir x 4 lần/ngày, mỗi ngày

2 - 5 tuổi: 400 mg acyclovir x 4 lần/ngày, mỗi ngày

< 2 tuổi: 200 mg acyclovir x 4 lần/ngày, mỗi ngày

Việc điều trị nên kéo dài 5 ngày.

Liều dùng được tính chính xác hơn là 20 mg/kg (không quá 800 mg) acyclovir x 4 lần/ngày mỗi ngày.

Chưa có dữ liệu cụ thể về sự ngăn ngừa nhiễm Herpes simplex hay điều trị nhiễm Herpes zoster (bệnh Zona) ở trẻ em có hệ miễn dịch bình thường.

Người cao tuổi

Cần xem xét khả năng bị suy thận ở người cao tuổi để điều chỉnh liều phù hợp (xem mục Suy thận bên dưới). Nên duy trì bù đủ nước cho bệnh nhân cao tuổi dùng acyclovir liều cao đường uống.

Suy thận

Thận trọng khi dùng acyclovir cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận. Nên duy trì bù đủ nước cho bệnh nhân.

Trong điều trị nhiễm Herpes simplex ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận, liều uống khuyến cáo không làm acyclovir tích tụ với nồng độ cao hơn nồng độ đã được thiết lập an toàn khi tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân suy giảm chức năng thận nặng (độ thanh thải creatinine < 10 ml/phút), nên điều chỉnh liều còn 200 mg x 2 lần/ngày mỗi ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 12 giờ.

Trong điều trị nhiễm Herpes zoster, việc điều chỉnh liều được khuyến cáo như sau:

- Suy thận nặng (độ thanh thải creatinine < 10 ml/phút): 800 mg x 2 lần/ngày mỗi ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 12 giờ.

- Suy thận trung bình (độ thanh thải creatinine 10 - 25 ml/phút): 800 mg x 3 lần/ngày mỗi ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 8 giờ.

Cách dùng

Viên nén được dùng đường uống. Có thể phân tán với ít nhất 50 ml nước hoặc nuốt nguyên viên với một ít nước. Đảm bảo bù đủ nước cho bệnh nhân dùng acyclovir liều cao.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Mẫn cảm với acyclovir hoặc valacyclovir hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

CẢNH BÁO VÀ THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC

Sử dụng ở bệnh nhân suy thận hay người cao tuổi

Acyclovir được thải trừ bởi sự thanh thải ở thận nên cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận (xem mục LIỀU DÙNG, CÁCH DÙNG).

Hầu hết người cao tuổi đều bị suy giảm chức năng thận, do đó phải xem xét điều chỉnh liều ở nhóm bệnh nhân này. Bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân bị suy thận đều có nguy cơ cao bị các tác dụng phụ lên hệ thần kinh, do đó các dấu hiệu này cần được theo dõi chặt chẽ. Trong các trường hợp đã được báo cáo, các phản ứng này thường hết sau khi ngừng thuốc (xem mục TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN CỦA THUỐC).

Điều trị với acyclovir kéo dài và nhắc lại ở bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch nặng có thể sinh ra các chủng virus kém nhạy cảm, từ đó không đáp ứng với việc tiếp tục điều trị bằng acyclovir (xem ĐẶC TÍNH DƯỢC LỰC HỌC).

Chú ý nên duy trì bù đủ nước cho những bệnh nhân uống acyclovir liều cao.

Nguy cơ suy thận tăng khi dùng đồng thời với các thuốc gây độc cho thận khác. Các dữ liệu lâm sàng hiện tại chưa đủ để kết luận rằng acyclovir làm giảm tỉ lệ mắc các biến chứng liên quan đến bệnh thủy đậu ở các bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường.

SỬ DỤNG THUỐC CHO PHỤ NỮ CÓ THAI VÀ CHO CON BÚ

Phụ nữ có thai

Chỉ nên dùng acyclovir khi lợi ích lớn hơn các nguy cơ chưa biết. Trong một tài liệu ghi lại những tác động lên thai kỳ ở những phụ nữ có phơi nhiễm với bất kỳ thuốc nào chứa acyclovir trong quá trình mang thai, dữ liệu cho thấy những dị tật bẩm sinh của trẻ ở những người mẹ phơi nhiễm với acyclovir không tăng hơn so với ở những người mẹ mang thai nói chung, và các dị tật cũng không đặc trưng hay theo một khuôn mẫu để có thể tìm một nguyên nhân chung. Các thử nghiệm dùng thuốc đường toàn thân được quốc tế chấp nhận không gây độc tính cho phôi thai, không gây quái thai trên thỏ, chuột cống và chuột nhắt. Trong một thử nghiệm không chính thống trên chuột cống, quan sát có bất thường trên thai nhi nhưng chỉ khi dùng một lượng acyclovir lớn trên da đến mức gây độc tính cho chuột mẹ. Sự liên quan về lâm sàng của các phát hiện này không chắc chắn.

Tuy nhiên, cần thận trọng cân bằng giữa lợi ích điều trị với tác hại có thể xảy ra.

Các phát hiện từ các nghiên cứu về độc tính trên sinh sản được mô tả trong mục DỮ LIỆU AN TOÀN TIỀN LÂM SÀNG.

Phụ nữ đang cho con bú

Sau khi uống acyclovir liều 200 mg x 5 lần/ngày, phát hiện trong sữa mẹ có acyclovir với nồng độ khoảng 0,6 - 4,1 lần so với nồng độ tương ứng trong huyết tương. Nồng độ này làm trẻ khi bú mẹ có thể phơi nhiễm acyclovir với liều lên đến 0,3 mg/kg/ngày. Do đó cần thận trọng khi chỉ định acyclovir cho phụ nữ đang cho con bú.

Khả năng sinh sản

Chưa có thông tin về ảnh hưởng của acyclovir lên khả năng sinh sản ở phụ nữ.

Trong một nghiên cứu trên 20 bệnh nhân nam có số lượng tinh trùng bình thường, khi cho uống liều lên đến 1 g acyclovir/ngày trong thời gian lên đến 6 tháng thì không có ảnh hưởng nào có ý nghĩa lâm sàng lên số lượng, sự di chuyển hay hình thái của tinh trùng. Xem các nghiên cứu tiền lâm sàng trong mục DỮ LIỆU AN TOÀN TIỀN LÂM SÀNG.

ẢNH HƯỞNG CỦA THUỐC ĐẾN KHẢ NĂNG LÁI XE, VẬN HÀNH MÁY MÓC

Chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc. Các tác dụng bất lợi lên khả năng lái xe, vận hành máy móc không thể dự đoán trước từ các thông tin dược lý của acyclovir nhưng cần được lưu ý.

Hộp 3 vỉ hoặc 10 vỉ x 10 viên nén (Vỉ Alu - PVC).

BẢO QUẢN: Giữ thuốc nơi khô ráo, nhiệt độ không quá 30oC.

HẠN DÙNG: 24 tháng kể từ ngày sản xuất.

TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG: USP hiện hành.